Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

5 QUYỀN TỰ DO CĂN BẢN CỦA TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH

5 QUYỀN TỰ DO 
CĂN BẢN CỦA TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH


Virginia Satir, là một trong những nhà tâm lý được nhiều người xem là bậc thầy. Bà kêu gọi hãy tôn trọng 5 quyền tự do căn bản của con cái trong gia đình ngay từ khi lọt lòng để giúp cho bé được trưởng thành thật sự. Vi phạm 5 quyền tự do căn bản này thì khả năng bé trở thành adult children sẽ rất cao.

1- TỰ DO THẤY & NGHE (CẢM NHẬN) MỌI VẬT & VIỆC THẬT SỰ NHƯ NÓ LÀ & NHƯ NÓ ĐANG XẢY RA - thay vì như nó ĐÃ xảy ra, SẼ xảy ra hay là NÊN xảy ra. 

Ví dụ: đứa trẻ thấy Ba đánh Mẹ, nhưng Mẹ nói "con không thấy điều đó phải không?" và khi đứa trẻ kể chuyện này với mọi người, vì Mẹ sĩ diện nên nói át đi "nó tưởng tượng đâu hông biết nữa, con nít mà . . . làm gì có chuyện đó". Rồi quay sang la rầy đứa trẻ trước mặt mọi người để gia tăng sự tin tưởng "sao con nói bậy bạ vậy, làm gì có chuyện đó.

 Lần sau không được như vậy nữa nha." Thậm chí còn đánh cho nó sợ để lần sau không bị mất mặt nữa. Đứa trẻ sẽ bị rối, sợ hãi . . . và không còn tin vào những gì mình nghe và thấy xung quanh. Khi trưởng thành bé thường suy diễn điều mình thấy và nghe hơn là thấy nghe như sự thật.

 Ví dụ: thấy người ta cau mày, thì lập tức suy diễn người ta giận trong khi người ta chỉ có thói quen cau mày hoặc họ đang suy nghĩ, đang bị đau chứ không có giận.

2- TỰ DO SUY NGHĨ THEO CÁCH CỦA MÌNH - thay vì NÊN suy nghĩ theo cách của cha mẹ hay truyền thống gia đình/tôn giáo/xã hội . .

Ví dụ: cha mẹ, thầy cô, và truyền thông thường phê phán "suy nghĩ lệch lạc" hoặc kêu gọi "hãy định hướng suy nghĩ". 

Hãy dạy cho con cân nhắc phải trái, nhìn vấn đề từ nhiều chiều, đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu & thông cảm. Kiểm chứng và xem lại sự hợp lý, hợp thời & hợp logic của thông tin và truyền thống. Định hướng suy nghĩ là 1 chiều. Truyền thống cũng có thể lỗi thời vì truyền thống đó dựa trên thông tin ngược với khám phá mới của khoa học hoặc đi ngược với nhu cầu chính đáng hoặc chiều hướng phát triển của văn minh nhân loại.

3- TỰ DO CẢM NHẬN TÌNH CẢM CỦA MÌNH - thay vì NÊN cảm nhận. 

Ví dụ: đứa trẻ thấy giận Ba/Mẹ/Ông/Bà . . . nói chung là người lớn trong nhà, thì những người lớn khác nói "không được giân Ba Mẹ vì như vậy là bất hiếu. Không được giận Ông Bà vì như vậy là hỗn, vô lễ" hoặc là "không được thương người đó, nó là kẻ thù của gia đình/dân tộc". Điều này vô tình dạy đứa nhỏ không được cảm nhận tình cảm thật, khi lớn lên thay vì có nhiều cung bậc tình cảm, bé chỉ biết chịu đựng nổi hoặc chịu không nổi và chỉ biết sợ hãi khi có tình cảm nào đó không giống như mọi người xung quanh. Người này sẽ liên tục bị xung đột nội tâm nên khó chọn con đường sự nghiệp vừa ý, khó chọn vợ/chồng, thậm chí thường xuyên gây gỗ và tạo ra xung đột không cần thiết trong các mối liên hệ với người xung quanh, trong gia đình, công sở và hàng xóm.

4- TỰ DO ĐẶT CÂU HỎI KHI KHÔNG HIỂU, HỎI XIN KHI CÓ NHU CẦU - thay vì CHỜ ĐƯỢC CHO PHÉP

Khi bé không có quyền hỏi xin cho nhu cầu chính đáng lớn lên bé khó mà biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Phụ nữ không biết bảo vệ nhu cầu chính đáng của mình thường bị chồng bạo hành, và đối xử bất công trong gia đình chồng và trong công sở. Xã hội có nhiều người không biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thường phải chịu hệ thống độc tài, tham nhũng tàn bạo

5- TỰ DO QUYẾT ĐỊNH & CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO QUYẾT ĐỊNH CỦA MÌNH 

- thay vì không dám làm để khỏi phiền lòng cha mẹ hoặc người thân. Khi đứa trẻ không được trải nghiệm những rủi ro nho nhỏ không nghiêm trọng thì bé mất đi sự học hỏi kinh nghiệm. Khi bé không được tự do trải nghiệm những thành công đến từ vượt qua rủi ro, thì bé có thể mất đi tự tin và khả năng tin vào quyết định của bản thân. Khi lớn lên bé sẽ chọn nghe lời người khác hơn là nghe lời chính mình, vậy thì bé dể bị lợi dụng và dể bị rủ rê hy sinh cho người khác hoặc lý tưởng hơn là chọn hạnh phúc chính đáng của một người bình thường.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

LIKE ME