Chapter 0: Hoạch định con đường cho con bạn
26 November 2013 at 22:56
By Giang Bee
http://www.facebook.com/notes/giang-bee/chapter-0-hoạch-định-con-đường-cho-con-bạn/10153492367040386
Khi bạn nhìn que thử thai và nhận ra hai vệt hồng mờ mờ xinh xắn, bạn sẽ bắt đầu nghĩ đến ngày bạn sẽ sinh con ra đời, ôm con trong vòng tay mình và bắt đầu yêu theo một cách khác. Khi bạn được thực sự ôm con mình trên tay, bạn sẽ nghĩ đến điều gì?
Đó không hề là một câu hỏi vu vơ, bởi điều gì bạn nghĩ đến lúc ấy sẽ định hình cuôc sống của bạn và của con bạn trong suốt thời gian phía trước. Có một lần tôi hỏi các phụ huynh đã lựa chọn BEEs, các anh chị muốn cuộc sống của con mình sẽ như thế nào sau sinh nhật lần thứ 18. Gần như 100% phụ huynh của chúng tôi đều nói rằng họ muốn con họ sẽ thực sự bước chân ra ngoài thế giới, để thụ hưởng nền giáo dục của thế giới, sống cuộc đời của các công dân thế giới và cạnh tranh với các thanh niên thời đại của thế giới trong mọi lĩnh vực, giành lấy mọi cơ hội và tỏa sáng ở bất cứ đâu. Cho nên tôi nói với họ rằng, vậy thì bắt đầu từ ngày hôm nay, dù con của anh chị mới tròn 6 tháng tuổi hay đã 4 tuổi, tuyệt đối chúng ta không thể lãng phí bất cứ một ngày nào. Chúng ta cần chuẩn bị và hoạch định con đường cho con, và con đường ấy sẽ phải là một con đường to và rộng, dẫn thẳng ra ngoài thế giới.
Ngày hôm nay, tôi lại hỏi bạn thân của tôi: Khi bạn tôi sinh ra hai đứa con, bạn tôi muốn chúng nó sẽ lớn lên thế nào. Cô bạn thân chẳng chần chừ, nói rằng cô ấy muốn chúng lớn lên tự tin, vui vẻ, độc lập, hạnh phúc. Cả hai đứa sẽ đi du học nước ngoài về, sẽ rạng rỡ, thành công ở bất cứ mảng gì mà chúng muốn gắn bó. Chuyện đi du học nước ngoài gần như là đương nhiên, bởi vì mẹ chúng nó đã đi học về nên không có lý do gì bắt chúng phải học trong nước cả. Để đi được nước ngoài, thì sẽ hướng chúng kiếm tìm và chiến thắng học bổng, cũng chẳng nhất thiết phải là học bổng toàn phần, nhưng để chúng có ý thức độc lập và tự đấu tranh vì cuộc sống của chính mình.
Vậy là khi sinh ra một đứa con, bạn sẽ phải có tầm nhìn dài ít nhất là 18 năm. Những gì con sẽ phải tự làm? Những gì bạn sẽ giúp con? Con đường dài ấy được hoạch định như thế nào? Niềm tin, sức mạnh, điều kiện và sự vững vàng sẽ cần có điểm tựa ở chỗ nào?
Tất cả bắt đầu từ 0 tuổi.
Bạn muốn con mình sánh ngang được với các thanh niên thế giới? Bạn sẽ phải bắt đầu từ điểm xuất phát của tất cả các bà mẹ trên thế giới đang làm.
Bạn muốn con mình sánh ngang được với các thanh niên thế giới? Bạn sẽ phải duy trì một sự giáo dục có mục đích và khoa học trong suốt quá trình bé lớn lên, thậm chí nỗ lực của bạn cần phải lớn hơn các bà mẹ thế giới gấp mấy lần vì chúng ta không có những điều kiện giáo dục chất lượng cao như các quốc gia khác trên thế giới.
Bạn muốn con mình sánh ngang được với các thanh niên thế giới? Bạn sẽ cần phải hiểu và giúp con khai thác tiềm năng của chính mình, biến con trở thành một người đặc biệt, mạnh mẽ, tự tin, thực tế, có mục đích, thông minh xúc cảm, bởi vì đó chính là cách các ông bố bà mẹ trên thế giới đang hàng ngày làm cho con của họ
Tất cả PHẢI bắt đầu từ 6 năm đầu đời. Nếu không, sẽ là rất rất muộn.
Và đây là những việc bạn cần làm:
(1) Tìm mọi cách để phát triển não bộ cho trẻ (đọc Chapter 1 - Chapter 2 - Chapter 3)
(2) Ổn định tính khí và phát hiện tiềm năng
(3) Xây dựng và rèn luyện kỹ năng xã hội thông qua đóng góp cộng đồng
(4) Phát triển các kỹ năng nói, viết, thương lượng, thuyết phục
(5) Đặt nền tảng vững chắc cho các kỹ năng ngôn ngữ
(6) Kỷ luật tích cực và tự lực cánh sinh
(7) Bảo vệ sức khỏe tâm thần và phát triển trí tuệ xúc cảm
(8) Xây dựng tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy song song
(9) Kỹ năng lãnh đạo
(10) Đặt nền tảng cho sự sáng tạo thực tiễn, và trí tưởng tượng không biên giới
Những việc cần làm ấy cần phải được thực hiện ở hai môi trường: (1) Giáo dục gia đình - có nghĩa là chính bạn sẽ phải thay đổi để đón nhận những thách thức gấp nhiều lần so với bất cứ bà mẹ nào khác trên thế giới (2) Giáo dục nhà trường - có nghĩa là tìm cho con một ngôi trường tốt nhất có hỗ trợ bạn làm tất cả 10 việc nói trên.
Nhưng, tuổi thơ hoàn toàn không phải là một cuộc chạy đua - tất cả các bà mẹ thế giới đều phải hiểu điều đó
Tức là, tuổi thơ không phải là cuộc chạy đua ai biết đọc sớm, ai làm toán giỏi từ sớm. Tuổi thơ là để các con được làm tất cả những điều trên kia thông qua những trò chơi, những hoạt động trải nghiệm đa kích thích. Tuổi thơ là để lũ trẻ được sống trong hạnh phúc, tiếng cười, tình yêu thương và sự tự do. Tuổi thơ là thời gian để thử và sai, để mơ ước, để vận động, để làm mọi điều con cần, và muốn; dù, đôi khi những điều ấy không hoàn toàn Đúng theo những quan niệm của người lớn. Tuổi thơ là lúc đặt nền tảng, là thời khắc mở đường.
Vậy thì, hãy thả con ra, để cho con lớn. Đó là điều tốt đẹp nhất bạn dành cho con. Đừng sợ những trận ốm, đừng sợ con bẩn con dơ, đừng sợ dị nghị của người ngoài, cũng đừng sợ con không tự lo nổi cho chính mình, đừng sợ con không tự điều chỉnh được. Hãy thả con ra để con lớn, giống như chính bố mẹ, ông bà ngày xưa, lớn lên trong tự do và trong một thế giới vô hạn đầy ắp các trải nghiệm. Tôi sẽ nói kỹ hơn về phần này trong các Chapter sau.
Và một trong những quyết định đầu tiên, quan trọng nhất trong cuộc đời của con. Đó là quyết định chọn trường mầm non cho bé. Vậy những ai muốn con mình sau này trở thành những công dân toàn cầu, có cuộc sống ở tầm thế giới, bạn muốn biết mình cần chuẩn bị gì cho con ư? Hãy cầm tờ báo lên và đọc, chính là ở mục điều kiện ứng tuyển học bổng du học Mỹ, bạn sẽ thấy người Mỹ thực tế đến mức nào.
(1) Bảng điểm: bảng điểm được xét tuyển không cần quá đẹp - điều đó có nghĩa rằng đạt học sinh Giỏi hay xuất sắc trong suốt 18 năm cũng chẳng có ý nghĩa gì lắm. Để thắng được học bổng du học đại học hay sau đại học, con bạn cũng chỉ cần đủ điểm để thể hiện rằng con đủ khả năng lĩnh hội các môn học trong nhà trường. 7 và 8 điểm là đẹp, không cần thiết phải tạo ra quá nhiều áp lực cho con. Vậy, khi tìm trường mầm non hay tiểu học, đừng chọn những nơi bé phải học quá nhiều, hoặc yêu cầu quá cao. Chữ đẹp chẳng giúp con có thêm điểm để thắng học bổng, nên tốt nhất đừng tốn thời gian của con vào đó. Hãy dành thêm thời gian cho con chơi , và trải nghiệm, một cách tự do để kiến tạo tư duy cho con của mình. Học bổng là dành cho những người biết vận dụng đầu óc một cách thông minh, chứ không phải dành cho những người chỉ biết làm theo mẫu.
(2) Study Objective: Hãy giúp con học cách tự hoạch định mục tiêu của mình, con đường của mình, mối quan tâm của mình, niềm hứng thú của mình từ khi con bắt đầu biết đi. Đứa trẻ nào luôn chắc chắn về những điều mình muốn, sẽ biết được mình cần gì, và phải làm thế nào để đạt được đến những điều đó, không ngại sai, mà nhẫn nại cho đến phút cuối cùng. Tất cả những điều đó phải được dạy cho con từ khi học mẫu giáo.
(3) Personal Statement: Con bạn phải biết mình là ai, như một cá nhân đặc biệt và như một phần của cộng đồng xung quanh. Các nền giáo dục thế giới dành sự tôn trọng và những đặc quyền đặc biệt đối với những người mang lại lợi ích cho cộng đồng. Để làm được điều đó, rõ ràng con sẽ phải có đủ các trải nghiệm xã hội và có những đóng góp cho cộng đồng theo các cách riêng nhất, đặc biệt nhất, độc đáo nhất và thể hiện bản sắc tốt nhất. Những điều đó sẽ được bắt đầu đặt nền móng từ khi bạn quyết định cho con đi học - càng sớm, càng tốt.
(4) Language Procifiency: Con bạn phải nói, giao tiếp và thể hiện được mình hiệu quả nhất bằng ngôn ngữ của thế giới - tất nhiên rồi! Đến thời điểm này thì cũng đã rất rất nhiều bà mẹ hiểu rằng tiếp cận với ngoại ngữ từ sớm (trước 3 tuổi) mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhưng có điều này các bà mẹ cần phải lưu ý, ngoại ngữ cần phải do những người học ngoại ngữ hoặc những người bản ngữ dạy, bởi vì các cô giáo (được đào tạo về mầm non) của Việt Nam hoàn toàn không có được năng lực này, về bất cứ phương diện nào (so sad :( but true...)... Cách chúng ta cho trẻ tiếp cận với ngoại ngữ trong thời kỳ sớm, sẽ giúp mở rộng con đường thẩm thấu và tiếp nhận các ngoại ngữ khác khi trẻ lớn lên. Và ngoại ngữ, phải là hiểu và diễn đạt, chứ không phải là học như những con vẹt. Và cách để thẩm thấu một ngôn ngữ khác ở lứa tuổi tiền tiểu học, phải thông qua giao tiếp tự nhiên, chứ không phải là "học ngoại ngữ" như cách người lớn chúng ta đang làm.
(5) Những mục (2), (3), (4) còn chỉ cho bạn thấy cần chuẩn bị thêm kỹ năng viết cho con. Kỹ năng viết theo quan điểm của thế giới hoàn toàn khác với cái gọi là "tập làm văn" của Việt Nam. Kỹ năng viết đòi hỏi con sẽ cần phải làm chủ được ngôn ngữ, văn phong, cách liên tưởng, hình ảnh, luận cứ, liên kết... theo nguồn tư duy riêng của mình chứ không phải là viết văn theo mẫu như cách các bạn nhỏ vẫn đang quen học trong nhà trường. Do vậy, ngay từ khi con mới lên 3, bạn đã cần phải chuẩn bị cho con một cuốn sổ bìa cứng to, và những chiếc bút chì màu, để con có thể "viết" ra những suy nghĩ của mình ngay từ khi chưa biết viết.
Hóa ra... tất cả những thứ này không chỉ cần phải chuẩn bị 4 tháng trước khi nộp hồ sơ học bổng. Mà ngay lúc này, cho dù con bạn mới được vài ngày tuổi, thì bạn cũng đã cần phải suy nghĩ rồi, bởi vì tất cả nền móng chỉ được xây trong 6 năm đầu đời thôi, càng sớm thì càng vững, càng muộn thì càng ẩu... tùy bạn sử dụng hiệu quả thời gian của con mình.
Vậy thì, để chọn ngôi trường tốt nhất cho con, bạn có lẽ chẳng cần phải hỏi quá nhiều... Bạn thực sự chỉ cần hỏi "Trường sẽ chuẩn bị được gì cho con tôi?"... khi đã tự hoạch định xong con đường cho con mình đi, bạn sẽ tự đánh giá được ngôi trường nào phù hợp, mà không cần đến bất cứ một kiến thức chuyên môn nào. Hóa ra, mọi thứ kinh khủng lại chỉ đơn giản như vậy thôi...
Bạn cũng có thể không cần con phải đi du học nước ngoài... nhưng ít nhất hãy tự một lần hỏi bản thân mình, mong ước của bạn đối với con là gì... Sau đó tự bạn sẽ biết cần phải chuẩn bị gì cho con. Còn tôi, tôi sẽ giúp đỡ các bạn từng bước một, để có thể hiểu biết được tận cùng và khai thác được tối đa những gì tốt đẹp nhất mà một đứa trẻ cần - cho tầm nhìn 18 năm sau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét